Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Pháp gia

Là trường phái tư tưởng thực dụng, sản phẩm của sự biến đổi xã hội thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Nó đại biểu cho lợi ích của tầng lớp địa chủ mới trỗi day, đáp ứng yêu cầu củng cố chế độ tập quyền trung ương của nền chuyên chính quân chủ, đại diện tư tưởng của tầng lớp phong kiến mới hình thành trong những quốc gia lúc bay giờ.

Tư tưởng Pháp gia thuộc phạm trù chính trị, chủ trương dùng pháp luật để cai trị đất nước. Các đại biểu của trường phái này thời kỳ đầu bao gồm: Quản Trọng (nước Tề), Tử Sản… tiếp sau đó là Lý Khôi, Ngô Khởi, Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Lý Tư và đặc biệt là Hàn Phi (280 – 233tr.CN). Hàn Phi là người đã tập hợp tư tưởng của các nhà Pháp gia trước đó và viết thành sách Hàn Phi Tử – cuốn sách kinh điển về chính trị xã hội sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Nội dung tư tưởng cơ bản:

Không tán thành chủ trương "làm theo đời vua trước" – Pháp tiên vương và Thuyết tính thiện của Nho gia, Pháp cho rằng, nhân tính cũng tiến hóa cùng với lịch sử và đề ra thuyết tính ác. Trên cơ sở đó, các nhà Pháp gia, đặc biệt là Hàn Phi đã đề xuất một hệ thống chính trị lấy Pháp, Thế, Thuật làm nội dung cơ bản và xem đó là công cụ của đế vương. Theo Hàn Phi, sở dĩ dùng pháp luật, mệnh lệnh, hình phạt để cai trị là phương pháp có hiệu lực nhất vì "dân vốn nhờn với lòng thương mà chỉ vâng theo uy lực".

+ Pháp: là pháp lệnh thành văn của quốc gia, được xem là tiêu chuan, căn cứ khách quan để định rõ danh phận, tỏ rõ thị phi, phân rõ tốt xấu, để mọi người biết rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, biệt điều phải làm và điều không được làm. Pháp đã ban hành thì phải thi hành nghiêm minh.

+ Thế: người đầu tiên đề cập là Thận Đáo. Thế tứ là quyền thế, địa vị, thế lực, quyền uy của người đứng đầu. Địa vị của kẻ trị vì là độc tôn, mọi người khác buộ phải tuân theo, tức là người đứng đầu phải nắm được quyền giết hại và khen thưởng. Nhờ có thế, vua có thể bắt người ta chết hoặc cho người ta sống, cho người ta giàu hoặc bắt người ta nghèo, cho người ta sang hoặc bắt người ta hèn. Vua dùng những thứ đó để khống chế bề tôi, bề tôi cũng vì những thứ đó mà phải thờ vua." Còn tài năng và đức hạnh của vua không nhất định là phải hơn người. Tuy vậy, mọi người phải tôn trọng vua, không được bàn luận đức hạnh của vua cao hay thấp. Trong việc trị dân, địa vị quyền thế của vua mới là trọng yếu, còn đức không quan trọng (Lỗ Ai Công và Khổng Tử).

+ Thuật: là phương pháp, thủ thuật, cách thức mưu lược điều khiển công việc và dùng người, khiến người triệt để tận tâm thực hiện pháp lệnh của vua mà không hiểu vua dùng họ như thế nào. Nều Pháp phải bằng mọi cách công bố công khai thì Thuật là cơ trí ngầm, là thủ đoạn, mưu lược của vua. Thuật bao gồm ba nội dung chính là bổ nhiệm, khảo hạch và thưởng phạt.

Còn về đường lối xây dựng đất nước, Hàn Phi cũng chủ trương chỉ tập trung toàn bộ sự chú ý vào hai việc là sản xuất nông nghiệp và chiến đấu. Còn văn hóa giáo dục thì không cần thiết, không đem lại lợi ích thiết thực mà thậm chí còn có hại cho xã hội. Hàn Phi nói "…Người làm việc bằng trí óc nhiều thì pháp luật rối loạn, người lao động bằng sức lực ít thì nước nghèo, ngày nay loạn lạc chính là vì như thế. Bởi vậy nước của vị vua sáng suốt không cần sách vở, lấy pháp luật để dạy, không cần lời nói của các vua đời trước, dùng quan lại làm thầy giáo".

Thực tế mà nói, học thuyết của phái Pháp gia chủ trương dùng pháp luật để trị dân là cần thiết ở bối cảnh ấy. Vì thế, áp dụng đường lối của trường phái này, nước Tần đã trở nên hùng mạnh và thống nhất được Trung Quốc. Nhưng đồng thời, phái này quá nhấn mạnh mặt trừng phạt nặng nề, phủ nhận đạo đức, tình cảm, thủ tiêu văn hóa giáo dục là đi ngược lại sự phát triển của văn minh và làm cho mâu thuẫn xã hội vô cùng gay gắt.

Có thể nói, tư tưởng của phái Pháp gia đã có tác dụng trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Nhưng nhìn chung, nhà Tần đã áp dụng tư tương này một cách thái quá, đi ngược với sự phát triển của xã hội, nên nhà Tần sớm tiêu vong. Phái Pháp gia phù hợp với tình hình xã hội lúc đó, nhưng quá nhấn mạnh sự trừng phạt dẫn đến thủ tiêu văn hóa truyền thống.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét